Đọc sách cho bé trên 1 tuổi [1]


Thật ra, nếu chịu khó đọc sách, các bạn sẽ thấy chẳng ai chia kiểu 1 tuổi như vậy cả. Mình tự phân ra chỉ dựa vào kinh nghiệm đọc sách cho con mình thôi. Cái mốc 1 tuổi chỉ là cái mốc giả định. Chứ cái mình muốn dùng để phân chia sự khác biệt là thời điểm bé hiểu và biết thắc mắc. Tốc độ phát triển sẽ khác nhau ở các bé khác nhau. Có bé mới 10 tháng đã nói được, có bé tận 2-3 tuổi mới nói được. Nhưng khi nào bé bắt đầu nhận thức được sự vật quanh bé hoặc bé biết thắc mắc thì đã đến lúc ta thay đổi cách đọc sách cho bé.

Bé thắc mắc không có nghĩa là bé biết nói. Nhiều bé chưa hề biết nói nhưng có thể dùng body language để trao đổi với ba mẹ rất tốt. Bé sẽ ngồi yên ngoan ngoãn, nhìn ba mẹ bằng đôi mắt đen lay láy đáng yêu, chờ ba mẹ đọc hết sách rồi bé nêu thắc mắc? Không có việc đó đâu. Hãy quên ý nghĩ đó ngay và...luôn.

  • Bé sẽ nhảy lên nhảy xuống chẳng tập trung nghe.
  • Bé sẽ chỉ vào trang sách thắc mắc một hình nào đó - và lặp lại thắc mắc đó liên tục không ngừng dù bạn đã giải thích cho bé rồi.
  • Bé sẽ không thích đọc đúng số trang, đang đọc trang 3, bé lật tới vài trang hay đi hẳn tới trang cuối.
  • Bé không thích gọi là Lọ Lem, bé thích gọi công chúa áo xanh. 
  • Và nhiều tình huống khác nữa mà bạn sẽ phải giải quyết hết sức linh hoạt. 
Nguyên tắc đọc sách cho bé trên 1 tuổi:

  • Bất kể là sách nào, bất kể có cốt truyện hay không: miễn là bé thích, tự bé chọn sách và đưa bạn đọc.
  • Giờ đọc sách là bất kì lúc nào. Nhưng tốt nhất chọn giờ cố định hằng ngày, một thói quen không nên bỏ. 
  • Là ba mẹ, bạn phải cho bé niềm cảm hứng đọc sách bằng cách đọc cho bé nghe một cách vui vẻ và hào hứng. Bạn đọc cho nhanh để bé đi ngủ? Bé sẽ biết đấy. 
  • Nhân vật chính là bé, là suy nghĩ và sự sáng tạo của bé chứ không phải là cuốn sách hay cốt truyện. Nếu bé không thích cốt truyện giống trong sách? Thì ta đọc cốt truyện theo...ý bé :)


Cách giải quyết tình huống:
  1. Bé không tập trung: Bạn đừng đòi hỏi bé ngồi yên hay tập trung. Từ giờ cho đến ít nhất 4 tuổi, khả năng tập trung và khả năng ngồi yên của bé là 0. Hãy cho bé hiểu: đọc sách là một phần thưởng chứ không phải là hình phạt và bé thì thích chơi chứ không thích đi ngủ --> cho bé sự lựa chọn: "bây giờ chúng ta ngồi yên đọc sách hay chúng ta đi ngủ?" để kéo bé ngồi yên lại.
  2. Bé hỏi linh tinh: Khi đang đọc sách, bé có thể hỏi lan man, bạn hãy khéo léo lồng ghép nội dung bé đang hỏi vào câu chuyện trong sách để đưa bé quay trở lại cuốn sách. 
  3. Bạn cảm thấy nội dung sách cho các rất kì quặc, đôi khi không có cốt truyện: các bé ở lứa tuổi này chả quan tâm cốt truyện đâu. Giai đoạn 1-2 tuổi bạn có thể cầm cùng 1 quyển sách và đọc...100 cách khác nhau cũng chẳng hề gì.
  4. Bé hỏi quá nhiều: bé mới là nhân vật chính và bé càng hỏi nhiều càng tốt chứ. Nên khi bé thắc mắc thì bạn phải kiên nhẫn dừng lại, trả lời bé. Không ép bé ngồi yên nghe đọc hết truyện theo ý bạn. 
  5. Khơi gợi suy nghĩ của bé: khi bé hỏi bạn luôn phải cho bé câu trả lời. Nếu bạn không biết cứ nói không biết. Từ câu trả lời của bạn, bạn sẽ quan sát xem bé phát triển suy nghĩ tiếp theo như thế nào.
  6. Bé không chịu đọc từ đầu tối cuối: bé luôn là nhân vật chính - bé thích đọc sao thì ta đọc vậy. Hãy dùng sự sáng tạo của bạn để phát huy sự sáng tạo cho bé. Còn chuyện đầu-cuối thì bạn đừng lo, đến lúc tự bé nhận thức được đầu-cuối, đố bạn nhảy đi đâu được. 
  7. Đọc sách là dịp để ta đưa thông điệp hằng ngày đến với bé: bé không chịu đánh răng mỗi tối, bạn sẽ tìm sách có bạn Thỏ đang đánh răng chẳng hạn và đọc một tình huống bạn thỏ không đánh răng bị sâu ăn hết răng. Đến tối hôm sau, vào giờ đánh răng, bạn nhắc với bé về câu chuyện của bạn Thỏ và đề nghị cùng bé bắt con sâu. Kết quả sẽ rất tuyệt! Thử xem. Dạy dỗ giáo điều sẽ gây sự chán nản cho bé, nhưng nếu các bạn Thỏ, bạn Gấu, bạn Chó trong sách làm "vậy" thì bé sẽ làm "vậy" :)
  8. Giao tiếp 2 chiều: để bé thích đọc sách, ngoài việc trả lời câu hỏi của bé thì bạn cũng nên hỏi ngược lại "hình này hình gì?", "bạn này là bạn gì?", "màu này màu gì vậy mẹ không biết?"
Một ngày đẹp trời, bé sẽ lôi bạn ra ngồi ngoan ngoãn (ba mẹ ngồi ngoan ngoãn). Bé sẽ ngồi chễm chệ gác chân chữ ngũ, cầm sách đọc cho ba mẹ nghe, bắt chước như cách ba mẹ hay cô giáo đọc sách cho bé. Lúc đầu bé đọc kiểu làm bộ "Đây mẹ xem xi xa xi xô bla bla bla" mà tay thì chỉ vào trang đầu và...trang cuối. Vậy thôi là xong một quyển sách. Dần rồi bạn sẽ phát hiện bé thuộc những gì bạn đọc cho bé và bé kể lại y chang - y chang theo cách của bé, rất đáng yêu.

Bài liên quan:
1. Sách cho mẹ.
2. Đọc sách cho bé dưới 1 tuổi.
3. Đọc sách cho bé trên 1 tuổi [2].

*Nguồn hình từ internet.






1 comments:

  1. Đọc mới thấy có nhiều chuyện mình chưa biết. Cảm ơn tác giả.

    ReplyDelete

 

CÁCH XEM BLOG

[R]: toàn recipe, rất chán ợ

[Q]: quán tôi yêu thích

Còn lại toàn chuyện phiếm, cái này mới vui ợ :)

Blogroll

About

Tôi không phải là người thích nấu ăn. Tôi chỉ thích ăn. Nên nhiều khi không có ăn thì phải lăn vào bếp. Trước tiên thiệt ra nấu là cho mình, sau là hên quá chồng con ăn thích quá nên đâm ra cứ nấu. Do đó, blog này không phải là blog nấu ăn. Chỉ là sẵn tiện thì tôi ghi lại những thứ tôi thích nấu thôi. Mục tiêu chính vẫn là 8 cái chuyện ăn mới ngon làm sao và sống làm sao mới vui :)